Bối cảnh lịch sử Đồng_(tiền_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa)

Tháng 8 năm 1945, Việt Minh giành chính quyền ở Hà Nội, và một trong những mục tiêu quan trọng mà lực lượng cách mạng phải chiếm giữ là hệ thống tài chính - tiền tệ, để chính phủ mới có điều kiện hoạt động và bảo đảm đời sống cơ bản cho quốc dân.

Ngay từ đầu, Việt Minh chỉ chiếm giữ được Sở Ngân khố và cố gắng kiểm soát một phần Ngân hàng Đông Dương. Lúc đó ngân khố quốc gia thì chỉ còn đúng 1.230.720 đồng nhưng lại có đến 586.000 đồng là tiền rách nát phải tiêu hủy. Trong khi đó, nợ ngân phiếu chưa trả là 564.367.522 đồng. Tuy không hoàn toàn kiểm soát được Ngân hàng Đông Dương - cơ quan độc quyền phát hành tiền nhưng Chính phủ đã cử một phái đoàn gồm các ông Hoàng Minh Giám, Trịnh Đình BínhĐặng Đình Hòe đến giám sát ngân hàng này.

Tuy nhiên, bối cảnh quân sự - chính trị lúc ấy rất phức tạp vì còn sự hiện diện của cả quân đội Nhật lẫn người Pháp. Tháng 9 năm 1945, 20 vạn quân Trung Hoa Dân Quốc gồm 4 quân đoàn do tướng Lư Hán làm tổng chỉ huy, theo sự phân công của phe Đồng Minh chia làm hai đường tiến vào miền Bắc giải giáp quân Nhật đã kéo vào đóng quân ở Hà Nội và hầu hết các thành phố, thị xã từ biên giới Việt-Trung đến vĩ tuyến 16.

Vừa đối phó với cuộc chiến tiền tệ do Ngân hàng Đông Dương Pháp gây áp lực, lực lượng kháng chiến lại phải đối mặt với sự phá hoại nền tài chính một cách thô bạo của đội quân mang tiếng là đồng minh. Tướng Lư Hán yêu cầu phải cung cấp cho quân ông ta 10.000 tấn gạo trong khi dân Việt vẫn chưa qua khỏi nạn chết đói. Lư Hán còn “khai chiến” tiền tệ khi tự tiện áp đặt một tỉ giá hoàn toàn khác biệt thực tế: 1 đồng quan kim Trung Quốc ăn 1,5 đồng bạc Đông Dương và 13,3 đồng quốc tệ của họ ăn 1 đồng bạc Đông Dương (Thực tế tỉ giá ngoài thị trường tương ứng là 2,5 đồng quan kim mới bằng 1 đồng bạc Đông Dương, và 50-60 đồng quốc tệ của họ mới ngang giá 1 đồng bạc Đông Dương ở Việt Nam). Tình hình nghiêm trọng hơn khi Lư Hán càng lấn tới yêu cầu phải được đổi 4.500 triệu đồng bạc Đông Dương trong khi cả nước Việt Nam lúc ấy chỉ có 2.172 triệu đồng bạc Đông Dương lưu hành...

Để vượt qua “cuộc chiến” tiền tệ nan giải này, Chính phủ cách mạng cùng lúc thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ. Quỹ độc lập và Tuần lễ vàng được phát động để kêu gọi sự ủng hộ từ nhân dân cũng như in đồng tiền riêng của mình. Điều đó không chỉ bảo đảm cho sự hoạt động của Chính phủ và đời sống nhân dân, mà còn trực tiếp khẳng định nền độc lập, tự chủ quốc gia.[1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đồng_(tiền_Việt_Nam_Dân_chủ_Cộng_hòa) http://banknoteworld.com/vietnam http://dantri.com.vn/xa-hoi/tham-nha-may-in-tien-d... http://www.na.gov.vn/LSQH1/giai_doan_54_75/gd3b.ht... http://www.sbv.gov.vn http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/vilinks/vide... http://www.sbv.gov.vn/portal/faces/vi/vilinks/vide... http://www.taichinhdientu.vn/Home/Thong-nhat-tien-... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://thuvienphapluat.vn/archive/Nghi-dinh/Nghi-d... http://tuoitre.vn/dong-tien-doc-lap-ky-1-cuoc-chie...